Review Chi Tiết - Trusted 2024
Ho Chi Minh city, Vietnam, Earth
Việc hiểu rõ loại da của mình giúp bạn chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp và biết cách “đối đãi” với làn da của mình để nó luôn khỏe mạnh và tươi trẻ. Loại da của mỗi người ngoài phụ thuộc vào yếu tố di truyền, thì cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường như ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết tố và tình trạng sức khỏe.
Da được phân loại thành da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp và da nhạy cảm. Việc nhận biết và chăm sóc đúng cách cho từng loại da sẽ là tiền đề để bạn phát triển và duy trì sức khỏe tối ưu cho làn da của mình.
Các loại da và đặc điểm từng loại
Khi tìm hiểu cách nhận biết và chăm sóc da, việc phân loại da thành các nhóm chính là bước đầu tiên quan trọng. Các loại da chính bao gồm da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp và da nhạy cảm, mỗi loại đều có đặc điểm riêng biệt như sau:
- Da thường: Đây là loại da có sự cân bằng hoàn hảo giữa độ ẩm và dầu, không quá khô hoặc nhờn. Da thường thường có làn da mịn màng và không dễ bị mụn hay nhạy cảm với sản phẩm.
- Da khô: Da khô là loại da thiếu độ ẩm và khả năng giữ nước. Làn da khô thường có cảm giác căng, thô ráp, bong tróc hoặc ngứa.
- Da dầu: Da dầu sản sinh bã nhờn dư thừa, khiến da trông bóng và nhờn. Loại da này dễ bị các loại mụn nhọt, mụn đầu đen, đầu trắng do việc tiết bã nhờn quá mức có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Da hỗn hợp: Da hỗn hợp kết hợp giữa vùng da khô và nhờn. Thường gặp nhất là da dầu ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm) và da khô ở má, dẫn đến tình trạng da căng thô ở một số khu vực và bóng nhờn ở những khu vực khác.
- Da nhạy cảm: Da nhạy cảm có hàng rào bảo vệ bị tổn thương, khiến da dễ bị kích ứng, ngứa, châm chích hoặc bỏng rát. Các triệu chứng thường thấy bao gồm đỏ, sưng, bong tróc và các mảng da thô ráp sau khi tiếp xúc với sản phẩm hoặc điều kiện môi trường.
Cách xác định loại da
Để biết được bạn thuộc loại da nào, bạn không cần phải thực hiện các bài kiểm tra phức tạp, chỉ cần thực hiện một số bước đơn giản tại nhà như sau:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và thấm khô nhẹ nhàng.
- Hoạt động bình thường trong khoảng một giờ mà không chạm vào mặt.
- Sau đó, dùng giấy thấm dầu hoặc khăn giấy để kiểm tra vùng chữ T (trán, mũi, cằm).
Quan sát kết quả trên giấy thấm dầu hoặc khăn giấy để xác định loại da của bạn:
- Da nhạy cảm: Da có thể nhờn hoặc không, nhưng thường có dấu hiệu kích ứng và đỏ.
- Da bình thường: Không có dấu hiệu dầu nhờn hoặc bong vảy trên giấy, và da không có mẩn đỏ hay kích ứng.
- Da khô: Không có dầu nhờn trên giấy, nhưng da có thể cảm thấy bong tróc, căng hoặc thô ráp.
- Da dầu: Có dầu nhờn trên giấy thấm dầu. Lỗ chân lông nở to hơn lúc mới rửa mặt xong.
- Da hỗn hợp: Vùng chữ T bị bóng nhờn, trong khi các vùng khác trên khuôn mặt có dấu hiệu khô và bong tróc.
Nguyên tắc chăm sóc đối với từng loại da
Da thường
Nếu bạn may mắn có làn da thường, bạn vẫn cần giữ cho da sạch, đủ ẩm. Vì da thường không gặp các vấn đề về bong tróc, mụn trứng cá nên chỉ cần thực hiện quy trình chăm sóc da tối thiểu bao gồm:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm để cấp nước cho da.
- Thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30 vào mỗi buổi sáng.
Da khô
Để giúp giải quyết tình trạng da bong tróc, xỉn màu và thô ráp của da khô, quy trình chăm sóc da của bạn nên bao gồm:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dưỡng ẩm hoặc sữa rửa mặt gốc dầu.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm dạng kem đặc hoặc dạng dầu có chứa các thành phần như ceramide và glycerin để phục hồi hàng rào bảo vệ da và cung cấp đủ ẩm.
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 vào mỗi buổi sáng. (Bạn cũng có thể thử kem chống nắng dưỡng ẩm ở bước này).
Da dầu
Điều một làn da dầu cần nhất đó là cân bằng lượng dầu tiết ra. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm không chứa dầu và không gây mụn để tránh làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Để giúp giảm lượng dầu tiết ra và ngăn ngừa mụn trứng cá, quy trình chăm sóc da của bạn cần có những bước sau:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa dầu .
- Sử dụng toner có thành phần làm se khít lỗ chân lông như BHA, AHA hoặc cây phỉ (có tác dụng giảm lượng dầu thừa)
- Sử dụng treatment có các thành phần như AHA, BHA, Benzol Peroxide, … để giúp làm sạch lỗ chân lông.
- Lựa chọn kem dưỡng ẩm không chứa dầu, ưu tiên dạng gel nhẹ có chứa axit hyaluronic để cấp ẩm cho da mà không làm bít tắc lỗ chân lông.
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 vào mỗi buổi sáng.
Da hỗn hợp
Chăm sóc da hỗn hợp là việc giữ ẩm cho vùng da khô và cân bằng da dầu. Bạn có thể thoa sản phẩm trị mụn lên vùng da dầu, dễ bị mụn và thoa kem dưỡng ẩm dày lên vùng da khô. Quy trình chăm sóc da cho da hỗn hợp cụ thể như sau:
- Rửa sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa dầu.
- Sử dụng treatment có các thành phần như AHA, BHA, Benzol Peroxide, … vùng da nhờn, dễ bị mụn.
- Về kem dưỡng ẩm bạn có thể lựa chọn một loại kem dưỡng ẩm trung bình, không quá lỏng cũng không quá đặc để thoa được ở cả hai vùng da.
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 vào mỗi buổi sáng.
Da nhạy cảm
Vì da nhạy cảm dễ bị kích ứng nên quy trình chăm sóc da của bạn phải luôn hướng đến mục đích ngăn ngừa các phản ứng da có thể xảy ra. Quy trình chăm sóc da có thể làm dịu làn da nhạy cảm bao gồm:
- Rửa sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng và không có hương liệu.
- Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có nhiều chất tẩy rửa và mùi thơm.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi, không gây dị ứng có chứa axit hyaluronic dưỡng ẩm và ceramide phục hồi da.
- Sử dụng kem hydrocortisone không kê đơn cho vùng da bị viêm.
- Thoa kem chống nắng dành cho da nhạy cảm với chỉ số SPF ít nhất là 30 vào mỗi buổi sáng.
Kết
Việc nhận biết và chăm sóc đúng cách cho từng loại da giúp bạn duy trì làn da khỏe mạnh và rạng rỡ. Hiểu rõ loại da của mình và áp dụng các bước chăm sóc phù hợp sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề về da, từ khô đến nhờn hay nhạy cảm. Đừng quên điều chỉnh quy trình chăm sóc theo từng thay đổi của làn da. Hãy chăm sóc da đều đặn và kiên nhẫn để thấy sự khác biệt rõ rệt.
Quynh Le